Bấm huyệt – phương pháp chữa bệnh độc đáo của Đông y

Bấm huyệt là phương pháp chữa bệnh độc đáo và hiệu quả của Đông y, có lịch sử ra đời sớm hơn cả châm cứu.

Tiện lợi

Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách “Chữa bệnh cho mẹ”, thuật ngữ “Bấm huyệt” được hiểu là (thường) dùng ngón tay tác động vào huyệt với các thủ thuật: bấm huyệt, ấn huyệt, day huyệt, điểm huyệt…

Bấm huyệt là phương pháp chữa bệnh cổ xưa đang bị quên lãng. Ảnh: Từ Ân


Phương pháp châm cứu được xem là một bộ phận quan trọng trong các phương pháp truyền thống của Đông y, từ lâu đã được đông đảo quần chúng biết đến, còn đối với phương pháp bấm huyệt có lịch sử còn sớm hơn so với châm cứu thì ít nhiều lại bị mọi người quên lãng.

Chỉ khi nào người ta – trừ các thầy thuốc chuyên về bấm huyệt – gặp phải bệnh nào đó trong cuộc sống mà không thể không dùng việc day ấn huyệt vào chỗ đau ấy để giảm nhẹ đau đớn, thì vô tình người ta mới sử dụng đến phương pháp bấm huyệt để điều trị bệnh tật.

Cho nên, bấm huyệt thường được gọi là một phương pháp dân gian được ứng dụng rộng rãi và hữu hiệu.

Ở Việt Nam, từ nhiều thế kỷ trước, đã có những danh y đề cập đến phương pháp bấm huyệt như một y thuật có hiệu quả như thiền sư – danh y Tuệ Tĩnh trong sách Hồng nghĩa giác tư y thư thế kỷ XIV; Hoàng Đôn Hòa trong sách Hoạt nhân toát yếu thế kỷ XVI; Hải Thượng Lãn Ông trong sách Vệ sinh yếu quyết thế kỷ XVIII…

So với các phương pháp chữa bệnh khác như dùng thuốc, châm cứu, ngoại khoa… thì cách chữa bệnh chủ yếu bằng tác động trực tiếp của ngón tay thầy thuốc lên cơ thể người bệnh, không chỉ là độc đáo mà còn đơn giản, tiện lợi, ít gây hại cho cơ thể người bệnh.

Dụng cụ bấm huyệt

Tuy dùng tay day ấn huyệt vị thì tương đối thuận tiện, nhưng phải day ấn trong thời gian dài đồng thời phải không ngừng day ấn huyệt vị và độ lực khi day ấn, thì dễ khiến cho thầy thuốc mệt mỏi.

Cho nên về sau các thầy thuốc đã lấy thủ pháp day ấn bằng tay và liệu pháp đề châm làm cơ sở, chế ra rất nhiều dụng cụ trị liệu ấn điểm huyệt đặc biệt như dùi xương, mảnh sành, kim trúc, kim gỗ, kim tròn đầu bằng đồng, để giảm nhẹ cường độ lao động của thầy thuốc, thích ứng tốt hơn với nhu cầu của liệu pháp bấm huyệt.

Nhưng các thủ pháp, các dụng cụ ấn điểm huyệt vốn có đó, đều được tạo lập trên cơ sở biện chứng về trị và chọn huyệt, đều là sau khi kích thích huyệt đạo tương ứng trên cơ thể người, thông qua vai trò điều chỉnh của kinh mạch huyệt vị mà trừ phong tán hàn, bổ hư tả thực, điều hòa âm dương, từ đó tạo nên tác dụng trừ khử bệnh tật.

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, dụng cụ ấn điểm huyệt cũng không ngừng phát triển, cải tiến theo.